Những người ”giữ nhịp thời gian”
Thợ sửa đồng hồ đòi hỏi phải tỉ mỉ, chăm chỉ và biết nguyên lý hoạt động của các loại đồng hồ mới có thể sửa thành thạo mà không làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy. Tại TP.Đà Nẵng, tuyến đường Hùng Vương còn được nhiều người gọi là “con phố thời gian” bởi có nhiều cửa tiệm chuyên mua bán, sửa chữa đủ loại đồng hồ, từ đồng hồ quả lắc, đồng hồ cơ đến đồng hồ điện tử…
* “Bắt mạch” cho đồng hồ
Ông Ngô Phú (ngụ Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) kể, ông không nhớ chính xác mình bắt đầu theo nghiệp “mổ xẻ” những cỗ máy thời gian từ năm nào, chỉ biết vào những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, chợ Cồn có hơn 50 tiệm sửa đồng hồ lớn, nhỏ hoạt động rất nhộn nhịp. Thời điểm đó, đến khu vực “phố thời gian”, ai cũng có thể bắt gặp một tiệm sửa đồng hồ với người thợ già đang cặm cụi làm việc.
Theo ông Phú, người thợ sửa đồng hồ chỉ cần một tủ dụng cụ đơn giản và một chiếc ghế đã có thể hành nghề. Đã hơn 40 năm nay, ông gắn bó với nghề sửa đồng hồ và hiện là một trong những thợ sửa đồng hồ có thâm niên ở TP.Đà Nẵng. Với kinh nghiệm của mình, khách chỉ cần đưa một chiếc đồng hồ và miêu tả sơ bộ tình trạng là ông đã có thể “bắt mạch” chính xác và thành thục.
Dù không qua trường lớp đào tạo, tay nghề chỉ tích lũy từ kinh nghiệm thực tế nhưng ông Phú có thể “bắt” được mọi loại “bệnh” cho chiếc đồng hồ. Ông Phú ví nghề này như vị “bác sĩ” tìm lại được nhịp đập cho trái tim của con người. Nghề này đòi hỏi sự tập trung cao, cẩn thận, không thể hấp tấp được. Người thợ càng cẩn thận thì “bệnh” của đồng hồ càng sớm được chữa khỏi.
Ông Lâm Văn Minh (ngụ Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) gắn bó với nghề sửa đồng hồ đã 35 năm nay cho hay, khó khăn nhất là việc “bắt mạch” cho những chiếc đồng hồ cổ. Những chiếc đồng hồ có tuổi thọ lâu năm, các chi tiết cũng phức tạp hơn nên đòi hỏi người thợ phải biết nguyên lý hoạt động để sửa mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng máy.
“Có loại đồng hồ chỉ 1-2 ngày là sửa xong, nhưng có chiếc thuộc dạng hiếm, phải mày mò nhiều ngày mới có thể tìm ra lỗi. Người chơi đồng hồ cổ cũng khó tính và quý đồ vật mình sở hữu nên người thợ cũng phải cẩn thận để tránh tác động làm hư máy hoặc thay những phụ kiện không đúng chuẩn” – ông Minh bộc bạch.
Theo ông Minh, một chiếc đồng hồ đeo tay thường có hơn 30 chi tiết. Có những chi tiết nhỏ xíu phải dùng kính chuyên dụng mới có thể nhìn thấy để gắp hoặc gắn vào máy. Nếu làm không cẩn thận, chỉ cần con ốc vít hoặc cái bánh răng bị lạc sẽ mất thời gian tìm kiếm khá lâu vì những vật dụng này rất nhỏ.
* Thăng trầm với thời gian
Ông Đại Khán (ngụ Q.Hải Châu) là chỗ lui tới thân quen của những người sành chơi và đam mê sưu tập đồng hồ ở Đà Nẵng. Với tay nghề giỏi và tận tậm, ngay đến những vị khách khó tính nhất cũng thán phục trước tài nghệ của ông. Người này giới thiệu cho người kia, nhiều người mang đến để ông sửa những chiếc đồng hồ treo tường lẫn đeo tay có tuổi thọ cả trăm năm.
Ông Khán kể, trước đây đồng hồ thường là vật có giá trị, một món đồ xa xỉ không phải ai cũng có thể sở hữu. Người có tiền mua đồng hồ cũng thường rất chăm chút, lên lịch định kỳ đi vệ sinh, lau dầu, bảo dưỡng cho đồng hồ nên thợ sửa đồng hồ có thu nhập rất khá. Tuy nhiên từ vài năm trở lại đây, cùng với công nghệ phát triển, mọi người chuộng các mẫu đồng hồ điện tử, giá rẻ hơn nên tiệm của ông dần ít khách.
Dù qua thời vàng son một người thợ sửa đồng hồ có thể nuôi sống cả gia đình, nhưng hiện ông vẫn có một lượng khách quen nhất định là những người chơi đồng hồ cổ, trung thành với những chiếc đồng hồ cơ. Ông trở thành cầu nối cho những người thích sưu tầm đồng hồ tìm tới chuyện trò hay trao đổi những loại đồng hồ cũ, dây đeo phù hợp với sở thích.
“Hơn 30 năm làm bạn với những chiếc đồng hồ, trải qua những thăng trầm của thời thế, điều quan trọng nhất mà tôi rút ra được là miễn mình đừng phụ nghề thì nghề sẽ không phụ mình. Trước đây, tôi kiếm 1 – 2 triệu đồng/ngày thì nay giảm xuống còn một nửa. Dù thu nhập giảm nhiều nhưng tôi chưa một ngày nào phải “thất nghiệp và vẫn sống được với nghề” – ông Khán tâm sự.
Có một vài người yêu quý tay nghề của ông Khán, xin thử học nghề nhưng rồi không ai theo nổi. Bởi nghề này đòi hỏi người học, ngoài đam mê, năng khiếu còn phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và sáng tạo. Nếu nóng vội, thiếu điềm tĩnh rất khó theo nghề.
Thường xuyên sửa đồng hồ ở các cửa hàng trên đường Hùng Vương, chị Nguyễn Ngọc Phượng (ngụ Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cho biết, chị rất mê đồng hồ và sưu tập nhiều loại đồng hồ đắt tiền. Tuy nhiên, nếu cái nào trục trặc phải gửi cửa hàng chính hãng sửa chờ rất lâu, có thể từ vài tuần đến cả tháng mới xong, chi phí khá đắt. Do đó, chị thường mang đến sửa ở một số cửa hàng sửa đồng hồ khu vực đường Hùng Vương. Tại đây, thợ làm rất cẩn thận, lấy ngay, giá cả phải chăng, đỡ tốn kém.
Nhiều thợ sửa đồng hồ ở TP.Đà Nẵng chia sẻ, hiện nay đồng hồ đeo tay không chỉ là vật dụng để xem giờ mà còn là phụ kiện thời trang. Những chiếc đồng hồ hiện đại được tích hợp nhiều chức năng và kiểu dáng, mẫu mã phong phú hơn để người dùng tha hồ lựa chọn. Do đó, thợ sửa đồng hồ cũng không ngừng học hỏi, sáng tạo, có khả năng sửa các loại đồng hồ hiện đại thì mới trụ vững với nghề “giữ nhịp thời gian”.
Vài năm trở lại đây, thị trường thịnh hành những chiếc đồng hồ điện tử (đồng hồ thông minh). Tuy nhiên, đồng hồ đeo tay máy cơ vẫn còn sức hút riêng bởi nó bền bỉ với thời gian và có giá trị cao. Đồng hồ đeo tay máy cơ nổi tiếng với các nhãn hiệu đến từ các nước như: Thụy Sĩ, Nhật, Anh, Đức…